Vn En Jp
02462750776
numo.vn thiết kế website số một việt nam
TIN TỨC
TIN TỨC  Bản tin Pháp luật

BẢN TIN PHÁP LUẬT THÁNG 7 NĂM 2020

Trong tháng 7/2020 có những chính sách pháp luật mới gì liên quan đến lĩnh vực kế toán - thuế - bảo hiểm?  Những vấn đề quan trọng nhất được trình bày dưới đây:
Nội dung: I. THUẾ - TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN - NGÂN HÀNG :
1. Nghị quyết số 116/2020/QH14 về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác :
Nghị quyết này quy định giảm 30% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng.
 Đối tượng áp dụng là người nộp thuế TNDN là tổ chức bao gồm :
- Doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam
- Tổ chức được thành lập theo Luật hợp tác xã
- Đơn vị sự nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam
- Tổ chức khác được thành lập theo pháp luật Việt Nam có hoạt động sản xuất, kinh doanh có thu nhập.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 3/8/2020 và áp dụng cho kỳ tính thuế năm 2020.
2. Thông tư 13/2020/TT-BTTTT ngày 3/7/2020 do Bộ Thông tin truyền thông ban hành quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình :
Thông tư này quy định việc xác định hoạt động sản xuất sản phẩm phần mềm đáp ứng quy trình để được hưởng ưu đãi thuế TNDN.
Theo Bộ TTTT, quy trình sản xuất phần mềm phải đảm bảo bao gồm các công đoạn sau:
- Xác định yêu cầu: mô tả ý tưởng về phần mềm, các đặc tính, ngữ cảnh sử dụng...
- Phân tích và thiết kế: đặc tả các yêu cầu, thiết lập thuật toán...
- Lập trình, viết mã lệnh
- Kiểm tra, thử nghiệm
- Hoàn thiện, đóng gói sản phẩm
- Cài đặt, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng, bảo trì...
- Phát hành, phân phối, cho thuê
Mỗi công đoạn trên bắt buộc phải có tài liệu chứng minh.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19/8/2020 và thay thế Thông tư số 16/2014/TT-BTTTT ngày 18/11/2014.

3. Thông tư 65/2020/TT-BTC ngày 9/7/2020 do Bộ Tài chính ban hành sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 302/2016/TT-BTC hướng dẫn về lệ phí môn bài :
Thông tư này hướng dẫn chi tiết về chính sách miễn giảm lệ phí môn bài đã được công bố tại Nghị định số 22/2020/NĐ-CP .
Theo đó, việc miễn lệ phí môn bài năm đầu tiên chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp thành lập mới (được cấp mã số doanh nghiệp mới hoàn toàn).
Doanh nghiệp thành lập mới nếu có mở thêm Chi nhánh, Địa điểm kinh doanh, Văn phòng đại diện ngay trong năm đầu tiên thì các đơn vị trực thuộc đó cũng được miễn lệ phí môn bài.
Năm đầu tiên được tính theo năm Dương lịch, từ 1/1 đến 31/12. Một doanh nghiệp nếu thành lập vào tháng 12 năm này thì năm sau vẫn phải nộp phí môn bài.
Các doanh nghiệp thành lập trong khoảng thời gian từ 1/1/2020 đến trước ngày 25/2/2020 (ngày Nghị định số 22/2020/NĐ-CP có hiệu lực) sẽ không được áp dụng chính sách này, tức là nếu đã nộp thì không được hoàn và nếu chưa nộp thì vẫn phải nộp.
Các doanh nghiệp đã thành lập trước ngày 25/2/2020, khi mở thêm Chi nhánh, ĐĐKD, VPĐD từ sau ngày 25/2/2020 vẫn phải nộp phí môn bài do không thuộc đối tượng được miễn.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 23/8/2020.

4. Công văn số 2014/TCT-DNNCN ngày 18/5/2020 do Tổng Cục thuế ban hành hướng dẫn về chính sách thuế TNCN :
Theo đó, Tổng cục thuế trả lời như sau :
1. Chi phí làm thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động nước ngoài:
- Trường hợp các khoản chi phí làm và gia hạn thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động nước ngoài do người sử dụng lao động chi trả để người lao động nước ngoài đủ điều kiện vào làm việc tại các tổ chức tại Việt Nam là trách nhiệm của người sử dụng lao động thì các khoản chi phí này không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài.
- Trường hợp khoản chi phí làm thị thực cho người lao động làm việc tại các tổ chức tại Việt Nam đi công tác nước ngoài theo yêu cầu của công việc là công tác phí theo đúng quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của tổ chức và theo quy định tại tiết đ.4, điểm đ, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính thì không tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động. Phần chi công tác phí vượt mức quy định được tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân của người lao động.
- Trường hợp các khoản chi phí làm thẻ tạm trú, thị thực cho người lao động nước ngoài do công ty chi trả thay cho người lao động là lợi ích được hưởng của người lao động thì các khoản này tính vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động nước ngoài.
2. Khoản đóng góp bắt buộc vào quỹ phòng chống thiên tai:
Trường hợp người lao động tại các tổ chức đóng góp vào Quỹ phòng chống thiên tai được thành lập theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ thì được giảm trừ đối với các khoản đóng góp nêu trên vào thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

5. Công văn 2570/TCT-CS ngày 23/6/2020 do Tổng cục thuế ban hành hướng dẫn về chính sách thuế:
Công văn này hướng dẫn như sau :
Trường hợp Công ty Priority Pass Limited, được thành lập và có trụ sở tại Anh Quốc, mua dịch vụ phòng chờ từ Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng của Công ty cổ phần dịch vụ Nhà ga quốc tế Đà Nẵng để các hành khách có thẻ thành viên do Công ty Priority Pass Limited phát hành sử dụng thì :
- Nếu Công ty Priority Pass Limited kinh doanh dịch vụ phòng chờ của Công ty cổ phần dịch vụ Nhà ga quốc tế Đà Nẵng tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng thông qua các thẻ thành viên do Công ty Priority Pass Limited phát hành thì Công ty Priority Pass Limited thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 103/2014/TT-BTC nêu trên. Về đối tượng khai thuế, nộp thuế được thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 2 và khoản 3, Điều 20 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013  của Bộ Tài chính. Về việc xác định thuế GTGT, thuế TNDN theo phương pháp tỷ lệ % tính trên doanh thu tính thuế được thực hiện theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 Thông tư số103/2014/TT-BTC nêu trên.
- Nếu Công ty Priority Pass Limited chỉ mua dịch vụ phòng chờ của Công ty cổ phần dịch vụ Nhà ga quốc tế Đà Nẵng tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng để các hành khách có thẻ thành viên do Công ty Priority Pass Limited phát hành sử dụng mà không thu tiền dịch vụ phòng chờ của các chủ thẻ thì không thuộc đối tượng áp dụng Thông tư số 103/2014/TT-BTC nêu trên.


6. Công văn số 2748/TCT-DNNCN ngày 3/7/2020 c​ủa Tổng cục thuế hướng dẫn về việc kê khai bổ sung quyết toán thuế TNCN :
Theo đó, trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện trực tiếp quyết toán với cơ quan thuế nếu có số thuế nộp thừa thì được hoàn thuế. Theo đó, trường hợp người lao động Công ty thủy điện Sông Tranh quyết toán trực tiếp với cơ quan thuế và đã được hoàn thuế cho kỳ thuế từ năm 2013 đến năm 2016, sau đó phát hiện ra vẫn còn số thuế nộp thừa, khi có nhu cầu tiếp tục được hoàn thuế thì người lao động được khai bổ sung hồ sơ quyết toán thuế để đề nghị hoàn thuế theo quy định.

7. Công văn số 2835/TCT-TTKT ngày 14/7/2020 do Tổng cục thuế ban hành hướng dẫn tổ chức thực hiện Nghị định số 68/2020/NĐ-CP:
Công văn này hướng dẫn các nội dung liên quan đến nghị định 68/2020/NĐ-CP cho kỳ quyết toán 2019 và xử lý hồi tố đối với các năm 2017, 2018, cụ thể như sau 
- Đối với kỳ quyết toán 2019 :
+ Đối với các doanh nghiệp đã kê khai quyết toán thuế năm 2019 theo kỳ tính thuế đến hạn trước ngày 31/3/2020 thì thực hiện khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) theo quy định tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
+  Đối với các doanh nghiệp chưa đến kỳ kê khai quyết toán thuế năm 2019 thì thực hiện theo quy định sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.
- Đối với việc xử lý hồi tố cho kỳ tính thuế TNDN năm 2017, 2018:
* Đối tượng áp dụng :
+ Chỉ áp dụng hồi tố đối với việc nâng ngưỡng khống chế chi phí lãi vay từ 20% lên 30%
+ Áp dụng phương pháp tính chi phí lãi vay thuần ( lãi vay trừ (-) lãi tiền gửi, lãi cho vay)
+ Không áp dụng hồi tố với sử đổi tại điểm b, c điều 1 Nghị định 68/2020/NĐ-CP ( chuyển tiếp chi phí lãi vay không được trừ sang các năm sau).
* Về việc thực hiện bù trừ số thuế TNDN đã nộp trong các năm 2017 và 2018:  Sau khi thực hiện tính toán lại nếu số thuế TNDN giảm thì được giảm số tiền chậm nộp tương ứng cụ thể :
+ Trường hợp chưa qua thanh tra : thực hiện bù trừ phần chênh lệch số tiền thuế TNDN và tiền chậm nộp tương ứng vào số thuế TNDN năm 2020. Nếu năm 2020 không đủ bù trừ hết thì được bù trừ vào thuế TNDN phải nộp 05 năm tiếp theo kể từ năm 2020. Kết thúc thời hạn trên, không xử lý số thuế TNDN còn lại chưa bù trừ hết.
+ Trường hợp đã thanh tra, kiểm tra và đã có kết luận, quyết định xử lý : Người nộp thuế đề nghị Cục thuế, Chi Cục thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp. Cơ quan thuế quản lý trực tiếp xác định lại số thuế TNDN phải nộp, tiền chậm nộp tương ứng để thực hiện bù trừ phần chênh lệch vào số thuế TNDN năm 2020 hoặc 5 năm tiếp theo nếu năm 2020 không đủ bù trừ.

8. Công văn số 66230/CT-KK&KTT ngày 16/7/2020 do Cục thuế TP Hà Nội ban hành trả lời kiến nghị về chính sách thuế đối với cá nhân có phát sinh thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử :
Theo đó, Cục thuế TP Hà Nội xác định hoạt động cung cấp sản phẩm phần mềm, sáng tạo nội dung … trên các trang mạng xã hội, phân phối ứng dụng, chia sẻ nội dung là hoạt động dịch vụ, cá nhân khi tham gia kinh doanh thuộc mức doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ thực hiện nộp thuế theo từng lần phát sinh và căn cứ tính thuế là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính theo doanh thu với tỷ lệ thuế GTGT 5%, tỷ lệ thuế TNCN 5%.

9. Công văn số 66768/CT-TTHT ngày 17/7/2020 của Cục thuế TP Hà Nội hướng dẫn về việc kê khai thuế nhà thầu đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của tổ chức nước ngoài:
Công văn này hướng dẫn như sau :
Trường hợp Công ty cổ phần Sanko Press là nhà thầu nước ngoài có hoạt động chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Sanko Development Hà Nội cho ông Tomishige Shuzo là cá nhân nước ngoài có quốc tịch Nhật Bản thì:
- Về thuế GTGT: Hoạt động chuyển nhượng vốn thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định tại tiết d khoản 8 Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC nêu trên.
- Về thuế TNDN: Việc kê khai thuế TNDN đối với hoạt động chuyển nhượng vốn của nhà thầu nước ngoài được thực hiện theo hướng dẫn tại tiết c khoản 2 Điều 14 Thông tư số 78/2014/TT-BTC và khoản 2, tiết b khoản 7 Điều 16 Thông tư số 151/2014/TT-BTC nêu trên.

II. LAO ĐỘNG – BẢO HIỂM :

1. Hướng dẫn số 05/HD-LĐLĐ ngày 31/3/2020 do Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh ban hành hướng dẫn một số nội dung liên quan đến đóng kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn :
Văn bản hướng dẫn các vấn đề sau :
Hướng dẫn về việc đóng kinh phí công đoàn đối với đối tượng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam :
+ Người sử dụng lao động có sử dụng lao động nước ngoài là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của pháp luật thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đóng kinh phí công đoàn
+ Mức đóng kinh phí công đoàn bằng 2% tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
+ Thời điểm bắt đầu đóng kinh phí công đoàn: từ 01/12/2018, thực hiện định kỳ hàng tháng cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.
Ngoài ra văn bản còn hướng dẫn việc lùi thời điểm đóng hoặc miễn, giảm ( nếu có) đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch covid 19, đối với đoàn viên công đoàn đang sinh hoạt tại các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch covid 19.

Theo Luatvietnam.net

Các tin khác

02462750776