Ngày 20/11/2015, Quốc hội khóa XIII, kỳ họp lần thứ 10 đã thông qua Luật Kế toán số 88/2015/QH13. Luật này có những thay đổi cơ bản như sau :
1. Lần đầu tiên, khái niệm “ giá trị hợp lý” được nêu trong Luật kế toán. Nguyên tắc kế toán có một thay đổi là sau ghi nhận ban đầu đối với một số tài sản hoặc nợ phải trả mà giá trị biến động thường xuyên theo giá thị trường và giá trị của chúng có thể xác định lại một cách đáng tin cậy thì được ghi nhận theo giá trị hợp lý tại thời điểm cuối kỳ lập báo cáo tài chính. Luật quy định các loại tài sản và nợ phải trả được đánh giá và ghi nhận theo giá trị hợp lý tại điều 28.
2. Về đơn vị tính sử dụng trong kế toán : Đối với đơn vị kế toán chủ yếu thu, chi bằng ngoại tệ thì được lựa chọn ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ để kế toán ( không nhất thiết phải là đơn vị tiền tệ do Bộ tài chính quy định như trước đây). Đơn vị kế toán được phép làm tròn số, sử dụng đơn vị tính rút gọn khi lập hoặc công khai báo cáo tài chính.
3. Về chữ số sử dụng trong kế toán : Luật cho phép trường hợp doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển báo cáo về công ty mẹ, tổ chức nước ngoài hoặc sử dụng chung phần mềm quan lý, thanh toán giao dịch với công ty mẹ được sử dụng dấu phẩy (,) sau chữ số hàng nghìn, hàng triệu, hàng tỷ; sau chữ số hàng đơn vị được đặt dấu chấm (.) và phải chú thích trong tài liệu, sổ kế toán, báo cáo tài chính. Tuy nhiên đối với báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế, thống kê, các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định về chữ số như bình thường.
4. Bổ sung thêm các hành vi bị cấm trong kế toán mà chủ yếu là các hành vi liên quan đến hành nghề kế toán:
- Thuê, mượn, cho thuê, cho mượn chứng chỉ kế toán viên, Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán dưới mọi hình thức.
- Lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính trở lên hoặc cung cấp, công bố các báo cáo tài chính có số liệu không đồng nhất trong cùng một kỳ kế toán.
- Kinh doanh dịch vụ kế toán khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc hành nghề dịch vụ kế toán khi không bảo đảm điều kiện quy định của Luật này.
- Sử dụng cụm từ “dịch vụ kế toán” trong tên gọi của doanh nghiệp nếu đã quá 06 tháng kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mà vẫn không được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc doanh nghiệp đã chấm dứt kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Thuê cá nhân, tổ chức không đủ điều kiện hành nghề, điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán cung cấp dịch vụ kế toán cho đơn vị mình.
- Kế toán viên hành nghề và doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thông đồng, móc nối với khách hàng để cung cấp, xác nhận thông tin, số liệu kế toán sai sự thật.
5. Về chứng từ kế toán : Luật kế toán lần này quy định cụ thể hơn về chứng từ điện tử cũng như cách thức lưu trữ, quy định về chữ ký trên chứng từ kế toán của người khiếm thị.
6. Quy định về hóa đơn được sửa đổi phù hợp với quy định của pháp luật về thuế, bỏ quy định Bộ Tài chính quy định mẫu, tổ chức in, phát hành và sử dụng hóa đơn.
7. Đối với trường hợp đơn vị kế toán ghi sổ kế toán bằng phương tiện điện tử, Luật bổ sung thêm trường hợp nếu không in sổ ra giấy mà thực hiện lưu trữ sổ kế toán trên các phương tiện thông tin điện tử thì phải bảo đảm an toàn, bảo mật thông tin dữ liệu và phải đảm bảo tra cứu được trong thời gian lưu trữ.
8. Luật kế toán sửa đổi lần này quy định cụ thể về Báo cáo tài chính Nhà nước, đơn vị chiu trách nhiệm lập báo cáo tài chính Nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính Phủ để báo cáo Quốc hội … là Bộ Tài chính.
9. Đối với việc kiểm tra kế toán, Luật này quy định rõ các cơ quan có thẩm quyền quyết đinh kiểm tra kế toán và các đơn vị có thẩm quyền kiểm tra kế toán. Thay thế việc kiểm tra tổ chức quản lý và hoạt động nghề nghiệp kế toán bằng kiểm tra tổ chức quản lý và kinh doanh dịch vụ kế toán. Thời gian một cuộc kiểm tra cũng được quy định là không quá 10 ngày và thời gian kéo dài mỗi cuộc kiểm tra không quá 05 ngày ( không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định của Bộ luật Lao động).
10. Bổ sung thêm điều 39 quy định cụ thể về kiểm soát nội bộ và kiểm toán nội bộ. Đơn vị kế toán phải thiết lập hệ thống kiểm soát nội bộ.
11. Về trách nhiệm của người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán có bổ sung thêm về việc chịu trách nhiệm liên đới đối với những sai phạm của người khác gây ra nhưng thuộc trách nhiệm quản lý của mình. Người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán còn có trách nhiệm tổ chức kiểm tra kế toán trong nội bộ đơn vị và thực hiện kiểm tra kế toán các đơn vị cấp dưới.
12. Về những người không được làm kế toán : Luật bổ sung thêm đối tượng và quy định cụ thể hơn Luật cũ như sau :
- Cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, vợ, chồng, con đẻ, con nuôi, anh, chị, em ruột của người đại diện theo pháp luật, của người đứng đầu, của giám đốc, tổng giám đốc và của cấp phó của người đứng đầu, phó giám đốc, phó tổng giám đốc phụ trách công tác tài chính - kế toán, kế toán trưởng trong cùng một đơn vị kế toán, trừ doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn do một cá nhân làm chủ sở hữu và các trường hợp khác do Chính phủ quy định.
13. Hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán được thể hiện trong chương IV của Luật kế toán lần này, thay vì điều 55 và 57 như trước đây. Luật quy đinh cụ thể những vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh dịch vụ kế toán như sau :
- Mở rộng tiêu chuẩn được phép thi chứng chỉ kế toán viên : bỏ điều kiện phải có thời gian công tác thực tế về kế toán, tài chính từ 5 năm trở lên, có thể có bằng tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác theo quy định của Bộ Tài chính.
- Tuy nhiên để có thể đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán và được cấp giấy chứng nhận đăng ký hành nghề, người đăng ký hành nghề cần phải có 36 tháng trở lên công tác thực tế về tài chính, kế toán, kiểm toán kể từ thời điểm tốt nghiệp đại học.
- Bổ sung thêm Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kế toán, điều kiện cấp và chỉ có giá trị khi người được cấp ký hợp đồng lao động toàn thời gian cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán hoặc làm việc tại hộ kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Quy đinh rõ những người không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán, trong đó có đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, công an nhân dân.
- Về doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán : chỉ được thành lập theo loại hình công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp doanh, doanh nghiệp tư nhân. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài muốn thực hiện kinh doanh dịch vụ kế toán tại Việt Nam thì phải góp vốn với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán được thành lập tại Việt Nam hoặc thành lập chi nhánh doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán nước ngoài.
- Quy định điều kiện để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó vẫn quy định điều kiện phải có 2 kế toán viên hành nghề. Bổ sung quy định công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty hợp doanh phải có ít nhất 2 thành viên góp vốn là 2 kế toán viên hành nghề. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải là kế toán viên hành nghề và đồng thời là giám đốc. Tỷ lệ góp vốn của các kế toán viên hành nghề trong công ty TNHH 2 thành viên giao cho Chính phủ quy định. Hộ kinh doanh dịch vụ kế toán không cần có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Quy định cụ thể về hồ sơ, thời hạn cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán. Thời hạn và những trường hợp về những thay đổi phải thông báo cho Bộ Tài chính. Những trường hợp không được cung cấp dịch vụ kế toán và bị đình chỉ kinh doanh dịch vụ kế toán.
- Quy định rõ trách nhiệm của kế toán viên hành nghề, doanh nghiệp dịch vụ kế toán, hộ kinh doanh dịch vụ kế toán, trong đó bổ sung thêm trách nhiệm mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp theo quy định của Chính phủ.
Luật này có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 và thay thế Luật kế toán số 03/2013/QH11. Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán thành lập trước ngày Luật này có hiệu lực phải đảm bảo các điều kiện theo quy đinh của Luật này trong thời hạn 24 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Theo Luatvietnam.net