Vn En Jp
02462750776
TIN TỨC  Tin chuyên ngành

Những thay đổi về thuế TNCN từ 1/7/2013

Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi Luật Thuế TNCN số 04/2007/QH12 sẽ có hiệu lực từ 1/7/2013. Luật này bao gồm 6 điểm sửa đổi quan trọng như sau:

1. Sửa đổi các khoản phụ cấp được miễn tính thuế TNCN

Theo Luật 04/2007/QH12 hiện hành, các khoản trợ cấp, phụ cấp sau đây được miễn tính thuế TNCN:

- Phụ cấp, trợ cấp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công,

- Phụ cấp quốc phòng, an ninh,

- Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm,

- Phụ cấp thu hút, phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật,

- Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,

- Trợ cấp một lần khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi,

- Trợ cấp do suy giảm khả năng lao động,

- Trợ cấp hưu trí một lần, tiền tuất hàng tháng,

- Trợ cấp thôi việc,

- Trợ cấp mất việc làm theo quy định của Bộ luật lao động,

- Các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả,

- Trợ cấp giải quyết tệ nạn xã hội

Ngoài các khoản trợ cấp, phụ cấp kể trên, Khoản 1 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 bổ sung thêm các khoản sau đây được miễn tính thuế TNCN:

- Trợ cấp mang tính chất bảo trợ xã hội,

- Các khoản phụ cấp, trợ cấp khác không mang tính chất tiền lương, tiền công theo quy định của Chính phủ.

Theo Luật số 51/2010/QH13 thì người khuyết tật thuộc đối tượng được hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Theo đó, kể từ ngày 1/7/2013, các khoản trợ cấp dành cho lao động là người khuyết tật sẽ được miễn tính thuế TNCN. Tuy nhiên, còn phải chờ Chính phủ quy định chi tiết về khoản trợ cấp này, kể cả các khoản phụ cấp, trợ cấp ngoài lương được miễn tính thuế TNCN.

2. Thu nhập từ bất động sản đều chịu thuế TNCN dưới mọi hình thức.

Theo quy định tại Khoản 5 Điều 3 Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 thì các khoản thu nhập từ chuyển chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng nhà ở, chuyển nhượng quyền thuê đất, thuê mặt nước và chuyển nhượng bất động sản đều chịu thuế TNCN.

Nếu như hoạt động chuyển nhượng bất động sản trước ngày 1/7/2013 có một số hình thức được loại trừ khi tính thuế TNCN thì với sửa đổi tại Khoản 1 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, tất cả các hoạt động chuyển nhượng bất động sản đều chịu thuế TNCN dưới bất cứ hình thức nào.

Theo định nghĩa tại Khoản 1 Điều 174 Bộ Luật dân sự số 33/2005/QH11 thì bất động sản là các tài sản bao gồm:
a) Đất đai;
b) Nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất đai, kể cả các tài sản gắn liền với nhà, công trình xây dựng đó;
c) Các tài sản khác gắn liền với đất đai;
d) Các tài sản khác do pháp luật quy định.

3. Lương hưu của người tham gia BHXH tự nguyện được miễn tính thuế TNCN

Khoản 10 Điều 4 Luật số 04/2007/QH12 chỉ chấp nhận miễn tính thuế TNCN đối với "Tiền lương hưu do Bảo hiểm xã hội chi trả". Theo bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13, "tiền lương hưu do quỹ hưu trí tự nguyện chi trả hàng tháng" cũng được miễn tính thuế TNCN

4. Chuyển nhượng chứng khoán: không bắt buộc đăng ký trước khi chọn tính thuế theo năm

Nếu như điểm c Khoản 1 Điều 7 Luật số 04/2007/QH12 yêu cầu các nhà đầu tư chứng khoán phải đăng ký với cơ quan Thuế ngay từ đầu năm nếu chọn cách tính thuế theo năm đối với thu nhập từ chứng khoán thì kể từ ngày 1/7/2013, Điểm 3 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 cho phép các nhà đầu tư tự lựa chọn hình thức tính thuế TNCN theo từng lần chuyển nhượng hoặc theo năm mà không cần báo trước với cơ quan Thuế.

5. Tăng mức giảm trừ gia cảnh.

Giảm trừ gia cảnh là số tiền được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế của người làm công ăn lương và là cá nhân cư trú. Giảm trừ gia cảnh gồm 2 khoản: giảm trừ bản thân và giảm trừ người phụ thuộc.

Khoản 1 Điều 19 Luật số 04/2007/QH12 quy định:

- Mức giảm trừ bản thân: 4.000.000 đ/người/tháng

- Mức giảm trừ người phụ thuộc: 1.600.000 đ/người/tháng

Kể từ ngày 1/7/2013, mức giảm trừ sẽ được điều chỉnh tăng như sau (Điểm 3 Điều 1 Luật số26/2012/QH13) :

- Mức giảm trừ bản thân: 9.000.000 đ/người/tháng

- Mức giảm trừ người phụ thuộc: 3.600.000 đ/người/tháng

Luật số 26/2012/QH13 không có điều chỉnh nào cho Biểu thuế lũy tiến từng phần nên cách tính thuế TNCN theo Biểu lũy tiến vẫn giữ nguyên như cũ.

Giả sử, một người có thu nhập tính thuế là 10.000.000 đ/tháng và không có người phụ thuộc thì trước thời điểm 1/7/2013, số thuế TNCN phải nộp sẽ là 350.000 đ. Chi tiết:

  ĐVT: VND
Thời điểm chịu thuế  Trước 1/7/2013
Tổng thu nhập  10,000,000
Số người thân phụ thuộc  0
Tỷ giá USD/VND  20,820
Đơn vị tính: đồng Việt Nam (VND)
Tổng thu nhập chịu thuế (1)  10,000,000
Phần giảm trừ gia cảnh bản thân (2)  4,000,000
Phần giảm trừ người phụ thuộc (3)  0
Thu nhập tính thuế (4=1-2-3)  6,000,000
Thuế TNCN phải nộp  350,000
Ghi chú
Số thuế phải nộp ở bậc 1 (05%)  250,000
Số thuế phải nộp ở bậc 2 (10%)  100,000

Sau thời điểm 1/7/2013, chỉ phải nộp 50.000 đ. Chi tiết:

  ĐVT: VND
Thời điểm chịu thuế  Sau 1/7/2013
Tổng thu nhập  10,000,000
Số người thân phụ thuộc  0
Tỷ giá USD/VND  20,820
Đơn vị tính: đồng Việt Nam (VND)
Tổng thu nhập chịu thuế (1)  10,000,000
Phần giảm trừ gia cảnh bản thân (2)  9,000,000
Phần giảm trừ người phụ thuộc (3)  0
Thu nhập tính thuế (4=1-2-3)  1,000,000
Thuế TNCN phải nộp  50,000
Ghi chú
Số thuế phải nộp ở bậc 1 (05%)  50,000

6. Miễn tính thuế TNCN đối với phí đóng BHXH tự nguyện

Người tham gia BHXH tự nguyện để hưởng chế độ hưu sẽ được miễn tính thuế TNCN đối với khoản phí đóng vào quỹ hưu trí của loại hình này (Điểm 5 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13 sửa đổi Khoản 1 Điều 21 Luật số 04/2007/QH12 ). Tuy nhiên, Chính phủ sẽ quy định mức tối đa được miễn trong trường hợp này.

Thoe sửa đổi điểm 5 Luật số 26/2012/QH13, Chính phủ sẽ quy định lại việc quyết toán thuế TNCN đối với cá nhân thay vì quy định hiện hành tại điểm b Khoản 1 Điều 24 Luật số 04/2007/QH12 yêu cầu cá nhân có thu nhập chịu thuế phải quyết toán thuế đối với mọi khoản thu nhập.
 

Theo Luatvietnam.net

Các tin khác

02462750776