Tháng 11 với nhiều văn bản mới về thuế và kế toán được ban hành, bạn đã cập nhật được những gì, Mirai xin gửi bản tin tổng hợp các văn bản cần lưu ý:
Nội dung: I. THUẾ - TÀI CHÍNH - KẾ TOÁN - NGÂN HÀNG :
1. Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 của Chính phủ quy định về quản lý thuế với giao dịch liên kết:
Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020 và áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2020.
Nghị định này là nghị định tổng hợp lại các quy định tại Nghị định 20/2020/NĐ-CP và các nội dung được sửa đổi tại Nghị định 68/2020/NĐ-CP và thay thế hai nghị định này.
Nghị định này vẫn giữ mức trần khống chế chi phí lãi vay 30% theo như trước đó tại Nghị định số 68/2020/NĐ-CP.
Về khái niệm "giao dịch liên kết", ngoài những định nghĩa như trước đây tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP , Nghị định này có thêm một định nghĩa mới. Theo đó, nếu doanh nghiệp có phát sinh chuyển nhượng hoặc nhận nhận chuyển nhượng ít nhất 25% vốn hoặc cho cá nhân đang điều hành doanh nghiệp đó vay ít nhất 10% vốn góp góp chủ sở hữu thì cũng bị xem là có giao dịch liên kết
Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong việc xác định các giao dịch liên kết, nộp tờ khai theo mẫu của Phụ lục I, II, III đính kèm Nghị định này cùng với Tờ khai quyết toán thuế TNDN, đồng thời lưu giữ các hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết .
Nghị định đính kèm một số các biểu mẫu.
2. Thông tư số 88/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 30/10/2020 sửa đổi, bổ sung điều 26 Thông tư số 68/2019/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ:
Thông tư bãi bỏ khoản 3 Điều 26 Thông tư 68/2019/TT-BTC nhằm bỏ quy định bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử loại mới kể từ ngày 1/11/2020.
Đồng thời, các Thông tư, Quyết định về hóa đơn giấy, hóa đơn điện tử loại cũ được tiếp tục gia hạn hiệu lực đến 30/6/2022 (thay vì trước đó chỉ có hiệu lực đến 31/10/2020), gồm:
- Thông tư số 32/2011/TT-BTC về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử;
- Thông tư số 191/2010/TT-BTC hướng dẫn việc sử dụng hóa đơn vận tải;
- Thông tư số 39/2014/TT-BTC (được sửa đổi bởi Thông tư số 119/2014/TT-BTC , Thông tư số 26/2015/TT-BTC );
- Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015 về việc thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế, Quyết định số 526/QĐ-BTC ngày 16/4/2018 về việc mở rộng phạm vi thí điểm sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế.
- Quyết định số 2660/QĐ-BTC ngày 14/12/2016 về việc gia hạn thực hiện Quyết định số 1209/QĐ-BTC ngày 23/6/2015;
- Thông tư số 37/2017/TT-BTC sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn.
Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020.
3. Công văn số 4401/TCT-PC ngày 19/10/2020 do Tổng Cục thuế ban hành hướng dẫn về xử phạt vi phạm hành chính:
Theo đó, đối với các hành vi vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn xảy ra trước ngày 01/7/2020 và được phát hiện, xử lý từ ngày 01/7/2020 được xử lý như sau:
1. Trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn không đúng quy định xảy ra trước thời điểm 01/7/2020 dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế được phát hiện, xử lý từ ngày 01/7/2020 thì hành vi này bị xử phạt về hành vi khai sai dẫn đến thiếu thuế hoặc hành vi trốn thuế, không bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn.
2. Trường hợp người nộp thuế thực hiện hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn không đúng quy định nhưng không dẫn đến thiếu thuế, trốn thuế và thuộc trường hợp bị xử phạt về hành vi vi phạm thủ tục thuế thì người nộp thuế bị xử phạt về hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn, sử dụng hóa đơn không đúng quy định theo Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 và bị xử phạt hành vi vi phạm thủ tục thuế theo quy định tại Nghị định số 129/2013/NĐ-CP ngày 16/10/2013 của Chính phủ.
4. Công văn số 12830/BTC-QLKT do Bộ Tài chính ban hành ngày 20/10/2020 hướng dẫn về việc tổ chức bộ máy kế toán:
Theo đó, công văn này hướng dẫn như sau :
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 và Khoản 1 Điều 18 Nghị định 174/2016/NĐ-CP , mỗi doanh nghiệp được hiểu là một đơn vị kế toán, không phân biệt quy mô doanh nghiệp là lớn, nhỏ hay siêu nhỏ. Do đó, khi đã thành lập doanh nghiệp, cho dù là siêu nhỏ chỉ với vài lao động vẫn phải bố trí người làm kế toán.
Doanh nghiệp siêu nhỏ có thể lựa chọn áp dụng chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp siêu nhỏ ban hành tại Thông tư 132/2018/TT-BTC hoặc theo Chế độ kế toán dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ban hành tại Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Tuy nhiên, cần tuân theo quy định riêng của từng Chế độ kế toán mà mình đã chọn. Ví dụ, nếu chọn Chế độ kế toán DN siêu nhỏ, có thể được miễn nộp báo cáo tài chính nếu nộp thuế TNDN theo tỷ lệ. Ngược lại, nếu chọn Chế độ kế toán DN nhỏ và vừa thì việc nộp báo cáo tài chính là bắt buộc, không phân biệt nộp thuế TNDN theo lợi nhuận hay theo tỷ lệ tính trên doanh.
5. Công văn số 89923/CT-TTHT ngày 9/10/2020 do Cục thuế TP Hà Nội ban hành hướng dẫn về chính sách thuế TNCN đối với khoản chiết khấu thưởng doanh số cho đại lý:
Công văn này hướng dẫn như sau :
- Trường hợp Công ty có chính sách chiết khấu thương mại cho khách hàng thì thực hiện lập hóa đơn theo hướng dẫn tại Điểm 2.5 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC nêu trên. Nếu khoản chiết khấu thương mại Công ty trả cho cá nhân (không phân biệt cá nhân kinh doanh hay cá nhân không kinh doanh) không phải là hoa hồng đại lý hoặc thưởng khuyến mại theo quy định tại Điều 92 và Điều 171 Luật Thương mại thì khoản chiết khấu thương mại nêu trên không thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế thu nhập cá nhân.
- Trường hợp Công ty chi chiết khấu thanh toán, chi thưởng doanh số (không phải là khoản thu nhập từ trúng thưởng, tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa theo hướng dẫn tại khoản 2, khoản 6 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC nêu trên) cho cá nhân kinh doanh là đại lý bán hàng hóa thì các khoản tiền này thuộc diện chịu thuế TNCN theo tỷ lệ 1%. Trường hợp cá nhân kinh doanh ủy quyền cho Công ty kê khai, nộp thuế đối với khoản tiền này thì Công ty thực hiện khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân theo tờ khai thuế mẫu số 01/CNKD, phụ lục 01-1/BK-CNKD ban hành kèm theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế và nộp thuế thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 4, khoản 5 Điều 7 Thông tư số 92/2015/TT-BTC nêu trên.
6. Công văn số 89925/CT-TTHT ngày 9/10/2020 do Cục thuế TP Hà Nội ban hành hướng dẫn về thuế nhà thầu:
Theo đó,
Trường hợp Công ty nhập khẩu hàng hóa từ nhà cung cấp nước ngoài tại Trung quốc (nhà thầu nước ngoài), không có cơ sở thường trú tại Việt Nam theo điều kiện giao hàng của các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms mà người bán chịu rủi ro liên quan đến hàng hóa vào đến lãnh thổ Việt Nam thì nhà thầu nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế nhà thầu tại Việt Nam. Trường hợp nhà thầu nước ngoài không đáp ứng được điều kiện về trực tiếp kê khai thuế tại Việt Nam theo quy định tại Điều 8 Mục 2 Chương II Thông tư 103/2014/TT-BTC thì Công ty có trách nhiệm khấu trừ, kê khai và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài, cụ thể:
- Thuế GTGT: trường hợp trong hợp đồng tách riêng giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ khi xác định số thuế GTGT phải nộp thì giá trị hàng hóa chỉ phải chịu thuế GTGT khâu nhập khẩu theo quy định, phần giá trị dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT áp dụng tỷ lệ 5% trên doanh thu tính thuế đối với phần dịch vụ. Trường hợp hợp đồng không tách riêng được giá trị hàng hóa và giá trị dịch vụ thì áp dụng tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu tính thuế là 3%.
- Thuế TNDN: trường hợp Công ty nước ngoài cung cấp hàng hóa theo điều kiện giao hàng của Các điều khoản thương mại quốc tế - Incoterms thì áp dụng tỷ lệ % trên doanh thu tính thuế là 1%.
7. Công văn số 93615/CT-TTHT ngày 26/10/2020 do Cục thuế Hà Nội hướng dẫn về việc khấu trừ thuế GTGT đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ :
Công văn này hướng dẫn như sau :
Để được áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% đối với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, công ty phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC, trong đó có điều kiện về tờ khai hải quan.
Nếu công ty không đủ một trong các thủ tục hồ sơ theo quy định thì phải tính nộp thuế GTGT như đối với hàng hóa tiêu thụ nội địa.
Về khấu trừ thuế GTGT với hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, công ty được khấu trừ đầu vào nếu đáp ứng đầy đủ quy đinh tại Khoản 2 Điều 17 Thông tư 219/2013/TT-BTC trong đó tờ khai hải quan là 1 điều kiện bắt buộc.
8. Công văn số 97746/CT-TTHT ngày 10/11/2020 do Cục thuế TP Hà Nội ban hành hướng dẫn việc xác định thời gian giảm thuế TNDN :
Trường hợp Công ty thuộc đối tượng quy định tại Điều 1 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ đồng thời có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng thì Công ty được giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020. Công ty căn cứ vào điều kiện được giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 để tự xác định số thuế được giảm khi tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế TNDN năm 2020 theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Nghị định số 114/2020/NĐ-CP nêu trên.
Trường hợp Công ty áp dụng năm tài chính khác với năm dương lịch thì kỳ tính thuế TNDN xác định theo năm tài chính quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính.
9. Công văn số 99748/CT-TTHT ngày 10/11/2020 do Cục thuế TP Hà Nội ban hành hướng dẫn về thuế TNDN, thuế TNCN đối với khoản chi cho CBCNV trong đợt dịch Covid-19:
Trường hợp Công ty trong đợt dịch Covid-19 có phát sinh các khoản chi phí cách ly cho Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV (không do cá nhân làm chủ) là chuyên gia nước ngoài sang làm việc tại Việt Nam thực hiện cách ly theo quy định của pháp luật nếu các khoản chi này nội dung ghi rõ tên cá nhân hưởng thì được tính vào thu nhập chịu thuế TNCN theo quy định tại tiết đ.3.2 khoản 2 Điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC.
Các khoản chi nêu trên là các khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động ngoài các khoản chi lương thưởng đã thỏa thuận và phù hợp với quy định của pháp luật được xác định là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN nếu đáp ứng quy định tại Điều 4 Thông tư số 96/2014/TT-BTC nêu trên và tổng số chi có tính chất phúc lợi không quá 01 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của doanh nghiệp.
II. LAO ĐỘNG – BẢO HIỂM :
1. Nghị định 135/2020/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 18/11/2020 quy định về tuổi nghỉ hưu:
Nghị định quy định lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu kể từ năm 2021.
Theo đó, năm 2021, tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi 3 tháng (tăng 3 tháng so với trước) và của nữ là 55 tuổi 4 tháng (tăng 4 tháng).
Các năm tiếp theo được tính theo nguyên tắc: mỗi năm tăng thêm 3 tháng (với nam) và 4 tháng (với nữ) cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 (với nam) và đủ 60 tuổi vào năm 2035 (với nữ).
Xem bảng lộ trình tăng dần tuổi hưu cho lao động bình thường tại khoản 2 Điều 4.
Riêng những lao động làm nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc bị suy giảm từ 61% khả năng lao động thì có thể nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi. Lộ trình tăng tuổi hưu dành riêng cho những lao động này được quy định tại khoản 2 Điều 5.
Về tuổi nghỉ hưu muộn hơn, tùy thuộc sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp và người lao động (Điều 5).
Việc đối chiếu tháng, năm sinh tương ứng với tuổi nghỉ hưu theo lộ trình được hướng dẫn chi tiết tại Phụ lục I, II Nghị định này.
Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2021.
Thay thế Điều 6, khoản 3 Điều 7, khoản 2 Điều 11 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015; Điểm a khoản 2 Điều 5 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015; Điểm a, b khoản 1 Điều 8, khoản 3 Điều 9, khoản 2 Điều 12 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016.
Theo Luatvietnam.net